Tọa đàm “Phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Thành phố Hồ Chí Minh”

468

Chiều ngày 22/4/2024, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố đã tổ chức Tọa đàm “Phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Tọa đàm có sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cho biết, đến nay Sở TN-MT và Sở Tài chính TPHCM đang rất tích cực triển khai chương trình này, nhưng cũng đang gặp thách thức rất lớn. Hai dự án đầu tiên là sử dụng đèn LED chiếu sáng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở, đang được xúc tiến thực hiện.

TP.HCM cũng đang thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng khung chính sách và kế hoạch hành động trong đó có ít nhất 3 nội dung về thị trường tín chỉ carbon. TPHCM cũng xác định xây dựng Cần Giờ xanh, trồng rừng, cải thiện môi trường đô thị, năng lượng tái tạo, mô hình làng xanh, kinh tế biển xanh.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, khi triển khai thị trường tín chỉ carbon, điểm thuận lợi của TPHCM là sự thống nhất về chủ trương; các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra tiềm năng hình thành tín chỉ carbon của TPHCM là rất lớn.

Tuy nhiên, thách thức hiện nay là khung pháp lý vẫn chưa hoàn thiện, Nghị định 06 vẫn đang tiếp tục chỉnh sửa. Nguồn vốn đầu tư để tạo tín chỉ carbon bền vững, chất lượng cao cũng đang là vấn đề. Hầu hết các nội dung trong tạo lập, tính toán giá bán tín chỉ carbon hiện nay đa số phụ thuộc các tổ chức nước ngoài. Nhận thức về thị trường carbon cũng chưa đồng bộ, có nhiều nội dung chưa được hiểu biết tường tận.

TS Trương Quang Vũ, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TPHCM cho biết, qua nghiên cứu có thể thấy tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của lĩnh vực công nghiệp, giao thông, thương mại của TPHCM rất lớn. Thị trường carbon sẽ góp phần thúc đẩy lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của TPHCM. Cần tạo môi trường thuận lợi để sớm hình thành thị trường carbon tự nguyện (trong nước và quốc tế).

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Công ty Tư vấn PwC phân tích, hiện nay có hai phương pháp tiếp cận đối với thị trường carbon, gồm mua bán hạn ngạch phát thải và mua bán tín chỉ để bù trừ. Với cách tiếp cận đầu tiên là mua bán hạn ngạch phát thải, Chính phủ sẽ quy định mức hạn ngạch phát thải, phân bổ cho các công ty. Các công ty sẽ tuân thủ mức hạn ngạch được cấp phép (giảm thiểu phát thải từ hoạt động vận hành; mua thêm hạn ngạch từ các công ty có mức phát thải thực tế ở dưới mức được cho phép). Cách tiếp cận thứ hai, các công ty bù trừ lượng phát thải không giảm được, bằng cách mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải không giảm được (thị trường tự nguyện).

Hướng tiếp cận mua bán hạn ngạch phát thải đòi hỏi nhiều thời gian hơn để triển khai. Trong khi đó, hướng tiếp cận mua bán tín chỉ để bù trừ carbon phù hợp hơn với khu vực Đông Nam Á trong ngắn hạn.

Theo ông Nam, hướng tiếp cận mua bán tín chỉ để bù trừ carbon nên được triển khai trước ở thời điểm hiện tại. Trong khi hướng tiếp cận mua bán hạn ngạch phát thải có thể được cân nhắc triển khai sau. “Cái nào chi phí ít, hiệu quả cao thì làm trước. Rồi dần dần đầu tư thêm”, ông Nguyễn Hoàng Nam giải thích.

Phát triển thị trường carbon tự nguyện cũng là nội dung mà nhóm nghiên cứu của Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước – Đại học Kinh tế TPHCM khuyến nghị tại hội thảo.

Chia sẻ