Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau

1007

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Những dịp Tết cổ truyền, Tổng Bí thư luôn phát động người dân, chiến sĩ tham gia Tết trồng cây với tinh thần đầy tâm huyết…

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”.

Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, sáng 17/2 (tức mùng 6 Tết Tân Sửu), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương tưởng niệm các bậc tiền nhân…..
Và trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long ở thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi – 2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Cách đây gần 60 năm, ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề “Tết trồng cây”, phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân.

Người chỉ rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”; “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”. Cuối năm Kỷ Hợi (1959), Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là “Tết trồng cây”; khuyên nhân dân cần duy trì bền bỉ “Tết trồng cây”.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây lưu niệm trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lai Châu. Nguồn internet

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện “Tết trồng cây” đầu tiên trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó tới nay, “Tết trồng cây” theo lời Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp tết đến xuân về.

Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Trong một bài viết trên báo của mình, PGS.TS. Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã chia sẻ rằng suốt hành trình đổi mới, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán: “Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ bền vững môi trường”.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây lưu niệm trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lai Châu. Nguồn internet

“Hoạt động bảo vệ môi trường đã đạt những kết quả bước đầu khả quan. Kiên trì, nghiêm túc, quyết liệt và sáng tạo thực hiện các giải pháp nêu trên là điều kiện để đất nước ta phát triển bền vững, bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định,” PGS.TS. Đoàn Thế Hanh viết.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cả nước ta đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, trong đó Hà Nội đang đi đầu, việc chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng càng có ý nghĩa quan trọng. Mỗi người trồng một cây, chăm sóc, bảo vệ cây tốt, không bao lâu chúng ta sẽ có không chỉ một rừng cây, mà nhiều rừng cây. Việc làm rất ý nghĩa mà chẳng mất công sức là bao, miễn là có ý thức tốt, có kế hoạch, kiểm tra, phân công, bảo vệ tốt.”

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: “Trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành”. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác trồng cây lưu niệm tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Nguồn: dangcongsan.vn

Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mỗi năm đất nước phải dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị. Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm đến mức báo động, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất và mực nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21.

Trong những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề. Phát triển kinh tế – xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia – dân tộc.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng. Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Tỉnh ủy Lạng Sơn (TTXVN)

“Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấm thía những lời chỉ dẫn của Bác Hồ, càng thấy sâu sắc hơn sự cần thiết, ý nghĩa to lớn của việc trồng cây, gây rừng.

Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; trồng thêm cây xanh sẽ góp phần tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Lễ phát động “Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại thôn 6, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, Yên Bái.

Trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng minh sáng tỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là đúng đắn, hợp quy luật; đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ vừa căn cốt, lâu dài vừa cấp bách, cần làm ngay. Một trong số các nhiệm vụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào, tốt cây đó; đồng thời cần nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học – công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững.

Nguồn: An Hương / TẠP CHÍ KHOA HỌC PHỔ THÔNG