Giao dịch tín chỉ carbon đã bắt đầu

332

Sàn giao dịch tín chỉ carbon đang là hướng đi mới nhằm thu hút dòng tài chính xanh cho đầu tư phát triển bền vững. Tham gia thị trường carbon là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh nên nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm.

Giao dịch tự nguyện

Việt Nam chưa vận hành thị trường tín chỉ carbon chính thức. Tuy nhiên, thời gian qua, một số dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn quốc tế độc lập được các đơn vị giao dịch theo cơ chế tự nguyện đã xuất hiện.

Ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thương mại (INTRACO), chia sẻ, một công ty thành viên của INTRACO đã ký kết hợp tác thỏa thuận với Citigroup (công ty dịch vụ ngân hàng đa quốc gia – trụ sở chính tại Mỹ) phát triển dự án chống biến đổi khí hậu, gồm Chương trình bếp sạch Việt Nam và Chương trình cung cấp nước uống an toàn cho người dân. Dự án dự kiến tạo ra khoảng 26,6 triệu tín chỉ carbon từ việc phân phối khoảng 850.000 bếp và 364.000 máy lọc nước cho các gia đình. Theo hợp đồng đã ký, công ty sẽ nhận 20,8 triệu USD và chuyển giao cho Citigroup 7,9 triệu tín chỉ carbon trong 3 năm 2022, 2023, 2024. Tính đến thời điểm hiện nay, công ty đã chuyển giao cho Citigroup hơn 1 triệu tín chỉ carbon. Cũng theo ông Dũng, giao dịch giữa hai bên đang theo cơ chế tự nguyện. Việt Nam cũng đã thử nghiệm mô hình mua bán tín chỉ carbon. Đó là Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc Ngân hàng Thế giới ký vào tháng 10-2020. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải CO2 từ 6 tỉnh Bắc Trung bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu USD.

Công ty CP – Tổng Công ty nước – Môi trường Bình Dương đang xúc tiến triển khai dự án xử lý chất thải làm phân compost và thu hồi điện năng để tham gia thị trường carbon

Cuối năm 2023, tỉnh Quảng Bình đã nhận được hơn 82 tỷ đồng (3,38 triệu USD) cho nỗ lực giảm phát thải nhà kính, trở thành địa phương đầu tiên ở Việt Nam nhận thanh toán theo ERPA. Theo các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về tín chỉ carbon, việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và giúp minh bạch trong các giao dịch tín chỉ carbon. Tuy vậy, đến thời điểm này, cũng mới chỉ xuất hiện một sàn giao dịch tín chỉ carbon của một doanh nghiệp tư nhân. Còn sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia đến năm 2028 mới được vận hành.

Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN CCTPA (sàn duy nhất nêu trên, thuộc Tập đoàn CT Group), thông tin, sàn CCTPA được thành lập dựa theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Sàn CCTPA có một số nhiệm vụ như: đánh giá môi trường và khí thải carbon, tính toán đo lường khí thải; báo cáo và xác nhận sau khi đo lường, tư vấn dự án carbon và sẽ trình cơ quan chức năng chứng nhận hoặc tổ chức quản lý carbon để xác nhận kết quả… Các hoạt động của sàn CCTPA theo quy định tại Khoản 1 Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 06/2022/NĐ-CP, đồng thời tuân thủ theo Nghị định thư Montreal.

Cũng theo ông Trường An, từ khi sàn CCTPA thành lập đã có khoảng 10 doanh nghiệp FDI lớn, có lượng phát thải nhà kính nhiều liên hệ để tìm kiếm nguồn tín chỉ carbon trong ngắn hạn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế carbon khi xuất khẩu sang châu Âu.

TPHCM đã sẵn sàng

Theo Sở TN-MT TPHCM, sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 được ban hành, UBND TPHCM đã có Quyết định số 2856/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, trong đó giao Sở Tài chính, Sở TN-MT chủ trì xây dựng Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Trên cơ sở 6 tiêu chí lựa chọn các dự án, Phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu đã tham mưu lãnh đạo sở để cùng các sở ngành đề xuất lựa chọn 2 dự án tiềm năng là: dự án thay thế đèn đường LED và lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công sở.

Theo tính toán, chỉ riêng đối với 2 dự án được lựa chọn thí điểm nêu trên, tổng lượng giảm phát thải CO2 trong 10 năm dự kiến gần 1 triệu tấn CO2 với nguồn thu chỉ riêng từ bán tín chỉ carbon có thể đến 220 tỷ đồng (chưa tính phần tiết kiệm điện). Tuy nhiên, ông Cao Tung Sơn, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở TN-MT TPHCM, cho biết thêm, hành lang pháp lý để việc tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ carbon chưa đầy đủ. Hiện nay, ngoài Nghị định 06 và 2 thông tư hướng dẫn tính toán của Bộ TN-MT và Bộ Công thương, các bộ ngành khác chưa ban hành các thông tư hướng dẫn tính toán khí nhà kính chuyên ngành (nông nghiệp, xây dựng, giao thông…).

Ngoài ra, vẫn chưa có môi trường để mua bán tín chỉ carbon một cách rộng khắp, chủ yếu là mua bán trực tiếp 1-1 hoặc mua bán qua môi giới, trung gian của các tổ chức quốc tế; chưa kết nối giữa các chủ dự án với thị trường nước ngoài, nơi tín chỉ carbon có thể được bán với giá cao. Để thị trường carbon phát triển, cung – cầu gặp nhau, bên cạnh việc cần hoàn thiện hành lang pháp lý thì việc hình thành hệ thống các đơn vị có chức năng và năng lực tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ carbon theo yêu cầu cũng cần được quan tâm hơn.

Theo nhìn nhận của PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, các giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra dưới hình thức tự nguyện. Đây là thỏa thuận có cam kết giữa bên có nhu cầu mua và bên có nhu cầu bán. Mặc dù là tự nguyện nhưng tất cả giao dịch đều phải thông qua các quy định, quy chuẩn của Liên hợp quốc. Về thị trường carbon tự nguyện, đây là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Tại thị trường này, bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp để giảm dấu chân carbon.

Theo sggp.org.vn

Chia sẻ