Có gì khác biệt giữa Phát triển bền vững và ESG

738

Trong những năm gần đây, định hướng phát triển bền vững và các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đã trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến lược và quá trình ra quyết định của doanh nghiệp. Các nội dung thực thi của ESG tập trung vào việc đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức trong ba lĩnh vực chính này và đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan. Đây là sự phát triển bền vững đươc bảo đảm bằng theo đuổi thực hiện ESG và là 1 xu hướng kinh tế xã hội thời thượng.

Hoạt động kinh doanh cân đối lợi ích hài hòa giữa khách hàng, doanh nghiệp và xã hội là một tư duy trong quản trị kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Phát triển bền vững đang trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động giao thương quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các công ty đại chúng niêm yết tại sàn chứng khoán.

Các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) và tính bền vững trong phát triển doanh nghiệp đã trở thành những cân nhắc thiết yếu đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Theo đó, Báo cáo Bền vững SDR và báo cáo Môi trường – Xã hội – Quản trị ESG được các doanh nghiệp công bố trở nên cực kỳ phổ biến. Nếu một doanh nghiệp đơn giản chỉ muốn trở nên trưởng thành hơn hoặc mong muốn cao hơn là phát triển ra thị trường quốc tế, thì họ nên làm quen với các khái niệm này cũng như hiểu sự khác biệt giữa 2 loại báo cáo, để đảm bảo thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong khi vẫn nâng cao hiệu quả tài chính trong dài hạn.

Hai chủ đề mang tính xu hướng thời đại này tồn tại song song nhau, tương quan hữu cơ chặt chẽ nhau và thường xuất hiện cạnh nhau không tách rời trong mọi chương trình nghị sự, hội thảo, đào tạo hay kế hoạch sản xuất kinh doanh dịch vụ mọi đơn vị. Sự gần gủi ngữ cảnh và nội dung tinh thần của 2 từ ngữ “Phát triển bền vững” và “Thực thi Môi trường – Xã hội – Quản trị” và sự hòa hợp có tính tương đồng hoàn hảo giữa Báo cáo Tính bền vững trong phát triển doanh nghiệp SDR và báo cáo ESG làm cho mọi người thường dễ nghĩ chúng như nhau, nhưng kỳ thực, vẫn có những khác biệt khá là rạch ròi tuy là không lớn lao lắm.

Đúng là về mặt tinh thần chúng gần như nhau vì chúng là sự thực thi nghiêm túc, chuẩn mực để cùng hướng đến xây dựng 1 chủ thể kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, minh bạch và bền vững, nhưng về giá trị cốt lõi trong 2 nội dung thì có vài sự khác nhau căn bản mà chỉ khi phân tích rõ nét mới nhận ra. Tuy nhiên 2 khái niệm vê “phát triển bền vững” và “ESG” khá tương đồng, không tách bạch sâu sắc và hoàn toàn có thể cùng được hiểu là con đường làm sao cho doanh nghiệp tốt lên, vững mạnh lên, trong đó “phát triển bền vững” là tiêu chí lẫn cứu cánh, còn “ESG” là chuẩn mực lẫn phương tiện.

Chúng như 2 thức uống Trà và Cà phê, cũng có hàm lượng chủ yếu chính là Tanin và cafeiine và các nguyên tố thành phần, các khoáng chất vi lượng ở mức độ khác nhau, nhưng tính chất, hiệu ứng, cảm quan sử dụng không khác nhau đến nỗi có thể dùng chung không làm thay đổi phong vị dù làm lượng tương ứng có thể đổi khác (Café: cafeiine 4% / tannin 6%; Trà: cafeiine 5% / tannin 30%) và Tanin là thành phần có hàm lượng luôn cao nhất. Trong khi đó, Trà sữa lại có Trà và Sữa là 2 thứ khác nhau hoàn toàn dù người ta có thể hòa chung thành 1 thức uống tổng hợp là Trà sữa.

ESG là viết tắt của Môi trường, Xã hội và Quản trị – ba trụ cột liên kết với nhau để đo lường tác động của doanh nghiệp đối với các khía cạnh khác nhau của xã hội. Các yếu tố môi trường đánh giá cách doanh nghiệp tương tác với thế giới tự nhiên và bao gồm các đánh giá về lượng khí thải carbon, thực hành quản lý chất thải và bảo tồn tài nguyên. Các yếu tố xã hội đánh giá tác động của công ty đối với nhân viên, khách hàng, cộng đồng và các bên liên quan khác. Điều này bao gồm các sáng kiến về sự đa dạng và hòa nhập, thực hành lao động, tiêu chuẩn an toàn sản phẩm, sự tham gia của cộng đồng, v.v. Các yếu tố quản trị bao gồm các chính sách và cơ cấu nội bộ của công ty nhằm xác định cách thức quản lý và kiểm soát công ty.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của tính bền vững ESG là do một số yếu tố chính. Thứ nhất, người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về sản phẩm họ mua và các công ty họ ủng hộ. Họ đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp với giá trị của họ về quản lý môi trường và trách nhiệm xã hội. Thứ hai, các nhà đầu tư ngày càng xem xét tiêu chí ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Họ nhận ra rằng các công ty ưu tiên các yếu tố này có nhiều khả năng được quản lý tốt trong dài hạn và được trang bị các công cụ, giải pháp tốt hơn để xử lý các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu hoặc các vấn đề xã hội.

Hơn nữa, các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang thực hiện các hướng dẫn chặt chẽ hơn liên quan đến các yêu cầu báo cáo tính bền vững đối với các doanh nghiệp hoạt động có liên quan đến sự nghiệp của họ. Điều này tạo ra nghĩa vụ pháp lý đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc báo cáo chính xác hiệu suất ESG của họ. Quan trọng hơn hết là ESG bao trùm cả 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ từ góc nhìn vi mô xã hội thu hẹp của tế bào doanh nghiệp. Thế nên mới nói ESG chính là phương tiện để đạt được cứu cánh Phát triển bền vững.

Để hiểu sự khác biệt rạch ròi của ESG và Phát triển bền vững, có lẽ cần phân tích khái niệm của 2 chủ đề này: Trước hết ta nói đến tính bền vững, là thực tiễn điều hành một doanh nghiệp theo cách đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của chính doanh nghiệp.

Tính bền vững trong khía cạnh môi trường tập trung vào việc giảm hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm chất thải và ô nhiễm, và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; Trong khía cạnh xã hội tập trung vào việc thúc đẩy công bằng xã hội, đa dạng và hòa nhập bằng cách đảm bảo thực hành lao động công bằng và an toàn, ưu tiên sức khỏe và an toàn, nhân quyền và sự tham gia của cộng đồng; Cuối cùng, trong khía cạnh kinh tế thì tính bền vững tập trung vào việc duy trì lợi nhuận lâu dài, tạo ra giá trị kinh tế và đảm bảo phân bổ nguồn lực có trách nhiệm.

Tính bền vững của doanh nghiệp nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động một cách có đạo đức, có trách nhiệm và bền vững, và họ đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng nơi họ hoạt động. Bằng cách giải quyết một loạt các vấn đề, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện điều kiện làm việc, thúc đẩy nhân quyền và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của công ty có thể đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động theo cách có lợi nhuận và có trách nhiệm với xã hội. Điều này sẽ tạo ra giá trị và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan trong dài hạn.

Trong khi đó, Khung môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá hiệu suất của một tổ chức dựa trên các tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí này được sử dụng để đo lường mức độ rủi ro của đơn vị với mục đích cải thiện các quyết định đầu tư. Hiểu và cải thiện hiệu suất ESG của công ty có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp theo nhiều cách, bao gồm hiệu quả tài chính, nâng cao danh tiếng và thương hiệu, tăng tính tuân thủ quy định. Số lượng các cơ quan xếp hạng điểm ESG ngày càng phổ biến. Các khung báo cáo mới và đang phát triển đang tăng cường tính minh bạch và nhất quán của thông tin ESG mà các công ty báo cáo công khai. Điều này được gọi là công bố ESG.

Mặc dù việc công bố ESG là tự nguyện, nhưng nó đã trở thành một yêu cầu tiêu chuẩn đối với các bên liên quan quan trọng, chẳng hạn như các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, các yếu tố ESG ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà đầu tư và các bên liên quan khác, khi họ tìm cách đầu tư vào các công ty có tác động tích cực đến xã hội và môi trường.

ESG và tính bền vững là hai khái niệm liên quan chặt chẽ và lồng ghép nhưng khác biệt. Mặc dù cả ESG và tính bền vững đều liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị, nhưng ESG tập trung vào việc đánh giá hiệu suất của các công ty dựa trên các yếu tố này, trong khi tính bền vững là một nguyên tắc rộng hơn bao gồm các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và đạo đức một cách toàn diện. Tính bền vững giao thoa môi trường và trách nhiệm xã hội vào nền kinh tế nhưng ESG là sự hòa nhập mang tính tổng hợp của mảng quản trị doanh nghiệp vào cùng tập hợp với 2 mảng môi trường và trách nhiệm xã hội.

Thuật ngữ ESG dường như đồng nghĩa với tính bền vững, nhưng việc sử dụng hoán đổi ngữ nghĩa lẫn ngữ cảnh cho nhau của hai thuật ngữ này là không hề chính xác. Sự khác biệt chính giữa ESG và tính bền vững ở chỗ ESG là một công cụ cụ thể được sử dụng để đo lường hiệu suất của một doanh nghiệp, trong khi khi tính bền vững như một nguyên tắc rộng lớn bao gồm một loạt các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.
Mặt khác, tính bền vững bao gồm một loạt các chủ đề như quản lý chuỗi cung ứng, sự tham gia của các bên liên quan và phát triển cộng đồng và cách doanh nghiệp tác động đến thế giới và thị trường, còn ESG xem xét cách thế giới và thị trường tác động đến doanh nghiệp hoặc khoản đầu tư, và có giá trị cung cấp khuôn khổ để đánh giá hiệu suất và rủi ro của công ty qua các tiêu chuẩn đã được đặt ra bởi các nhà lập pháp, nhà đầu tư và các tổ chức báo cáo ESG.

Trong khi tính bền vững có trọng tâm của các bên liên quan rộng hơn, bao gồm nhân viên, khách hàng và cổ đông bởi các tiêu chuẩn bền vững kết hợp khoa học thì ESG tìm cách xác định và xếp hạng các cam kết mong muốn, rộng hơn những gì được xem xét về tính bền vững -những đặc điểm này mở rộng đến mức thu nhập cho nhân sự, sự đa dạng của các bên liên quan, đãi ngộ với người lao động, sự tham gia của cộng đồng và các vấn đề sức khỏe và an toàn và nhiều thứ nữa.

Sự khác biệt giữa ESG và tính bền vững là tinh tế nhưng quan trọng. Việc chuyển đổi từ các chỉ số bền vững sang ESG cho thấy sự phát triển của các hoạt động kinh doanh sang các phép đo hiệu suất chính xác hơn. Theo nghĩa này, thay đổi là tốt, vì nó chỉ ra sự trưởng thành của các hoạt động kinh doanh để đo lường chính xác hơn về cách một doanh nghiệp tác động đến môi trường và hệ thống xã hội.

Sự khác biệt của 2 chủ thể Tính bền vững và ESG dẫn đến khác biệt của giữa Báo cáo ESG với Báo cáo Phát triển Bền vững: Báo cáo ESG cần cho các nhà đầu tư để xuất vốn cho những hoạt động kinh doanh hiệu quả và có trách nhiệm, vì các báo cáo này cho phép họ xem xét dữ liệu đáng tin cậy, chính xác, có thể so sánh và kịp thời. Báo cáo ESG tiết lộ dữ liệu môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp bằng cách sử dụng các tiêu chí cụ thể, với mục đích tiết lộ hồ sơ rủi ro của đơn vị cho các nhà đầu tư.

Trong báo cáo ESG, thông tin về quản trị thường được cung cấp trong báo cáo hàng năm của một tổ chức, là tiêu chuẩn về thủ tục quản trị và quy tắc đạo đức của họ; Các dữ liệu môi trường có số liệu phức tạp hơn nhiều ví những quy định mới đang được phát triển trong lĩnh vực này và cùng với nó là các tiêu chuẩn báo cáo cứ được cải thiện; Sau cùng là các vấn đề xã hội bao gồm phúc lợi của nhân viên, quan hệ lao động, sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, điều mà các doanh nghiệp thường chậm chạp trong việc cung cấp dữ liệu đáng tin cậy.

Trong khi đó, Báo cáo Phát triển Bền vững là một báo cáo định kỳ được xuất bản bởi các doanh nghiệp muốn chia sẻ trách nhiệm xã hội và môi trường của mình với nhiều bên liên quan. Báo cáo này tổng hợp và công bố thông tin mà một tổ chức quyết định truyền đạt liên quan đến các cam kết và hành động của mình ở các lĩnh vực xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh tử tế của mính. Bằng cách đó, một tổ chức sẽ cho phép các bên liên quan – từ khách hàng đến nhân viên và bất kỳ ai khác quan tâm đến hành động của tổ chức – biết về chiến lược phát triển bền vững của thương hiệu.

Tóm lại, sự khác biệt giữa ESG và Phát triển Bền vững của doanh nghiếp nằm ở chỗ, ESG là một tiêu chí cụ thể được đặt ra bởi các nhà lập pháp, nhà đầu tư và các tổ chức báo cáo ESG, trong khi Phát triển Bền vững là một thuật ngữ chung để làm điều tốt đẹp thuộc bối cảnh và là mục tiêu lẫn nội hàm hoạt động cho nhiều bên liên quan. Sự khác biệt này được phản ánh trong báo cáo. Mặc dù nhiều tiêu chuẩn được sử dụng cho báo cáo ESG cũng có thể được sử dụng để tạo ra một báo cáo bền vững, mục đích và đối tượng mục tiêu của các báo cáo khác nhau. Thêm vào đó, một báo cáo bền vững có thể mơ hồ trong khi báo cáo ESG được cấu trúc chặt chẽ bởi các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị.

Chuyên gia Lê Năng Hùng, GS danh dự Đại học quốc tế Châu âu IEU
Ngành kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ