Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam: Lan tỏa thông điệp bảo vệ cảnh quan, môi trường ứng phó biến đổi khí hậu

1996

TMO – “Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam” là hoạt động truyền thông về bảo vệ cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường với mục tiêu nâng cao vai trò, nhận thức của cộng đồng về giá trị của cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Cây nghiến cổ thụ hơn 1.000 năm ở Na Hang, Tuyên Quang được công nhận Cây Di sản Việt Nam vào đầu tháng 3/2024.

Theo đó, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Góp phần bảo tồn các loài gen quý, phát huy giá trị đa dạng sinh học gắn với giá trị văn hóa lịch sử cũng như góp phần phát huy tác động tích cực của các hoạt động cộng đồng đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, tìm hiểu về sự hình thành, phát triển của các loài cây cổ thụ gắn với đời sống người dân bản địa. Qua đó, cổ vũ, tuyên truyền ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và hướng đến kỷ niệm 15 năm hoạt động bảo tồn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam (2010 – 2025). Mới đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì Lễ phát động Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024.

Trên 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ trên cả nước đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi cho biết, Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi đây là sự kiện hướng đến cộng đồng và cũng vì lợi ích cộng đồng. “Cộng đồng cùng chung tay bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường thì chính cộng đồng sẽ được hưởng lợi từ những hành động đẹp này”, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.

Cũng theo Giáo sư Huỳnh, sự kiện bảo tồn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và triển khai thực hiện từ năm 2010. Sau hơn 10 năm, đến này đã có trên 7.000 cây cổ thụ, quần thể cây cổ thụ trên khắp các vùng miền tổ quốc đã được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Giáo sư Huỳnh cho biết thêm, thời điểm đầu triển khai gặp nhiều khó khăn bởi hoạt động này rất mới và lạ. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì và lòng quyết tâm cao, bên cạnh đó, do mang nhiều ý nghĩa sâu sắc nên hoạt động này đã được lan tỏa rộng khắp. Cụm từ “Cây Di sản Việt Nam” đã trở nên quen thuộc và được cộng đồng tích cực hưởng ứng tham gia.

Quang cảnh Lễ phát động Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam với sự tham gia của hàng chục phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn báo chí.

Trước đó, sáng 15/3, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì Lễ phát động Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024. Cuộc thi do Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường phối hợp Văn phòng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam triển khai thực hiện. Đây là một trong những hành động thiết thực hướng đến kỷ niệm 15 năm hoạt động bảo tồn, vinh danh Cây Di sản Việt Nam (2010 – 2025). Trong buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố Thể lệ của cuộc thi cũng như chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn Cây Di sản Việt Nam.

Theo đó, Thể lệ Cuộc thi nêu rõ đối tượng tham gia cuộc thi: Là người viết chuyên và không chuyên trong và ngoài nước; Tác phẩm dự thi là bài viết về chủ đề “Cây Di sản Việt Nam”; Tác phẩm dự thi được viết bằng tiếng Việt, đánh máy một mặt trên khổ giấy A4; fon chữ Times New Roman cỡ chữ 14. Tác phẩm dự thi khuyến khích kèm hình ảnh minh họa.

Những tác phẩm, bài viết về Cây Di sản Việt Nam đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhưng chưa tham gia cuộc thi nào vẫn đủ điều kiện tham gia cuộc thi này; Trong mỗi tác phẩm dự thi phải thể hiện đầy đủ thông tin về tác giả (họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, điện thoại và Email (nếu có).

Thể lệ nêu rõ tiêu chí chấm giải. Theo đó, tác phẩm tham gia dự thi tuân thủ đúng các Quy định của Ban tổ chức; Ưu tiên hướng viết sáng tạo, khai thác góc nhìn độc đáo, hấp dẫn… gắn với câu chuyện dân gian, văn hóa đời sống của người dân; Tác phẩm dự thi có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn, có tác động tích cực với độc giả, với cộng đồng xã hội góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường.

Về giải thưởng và cơ cấu giải, Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024 có tổng cộng 23 giải thưởng. Cụ thể gồm: 01 giải đặc biệt trị giá 20.000.000 đồng; 02 giải A: Mỗi giải trị giá 10.000.000đ; 05 giải B: Mỗi giải trị giá 5.000.000đ; 15 Giải C: Mỗi giải trị giá 2.000.000đ. Ngoài giải thưởng về tiền mặt, mỗi tác phẩm đạt giải được Ban tổ chức trao Giấy xác nhận đạt giải.

Cũng theo Thể lệ Cuộc thi, thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 15/3 đến hết ngày 30/9/2024. Tác phẩm dự thi gửi đến Ban tổ chức đồng thời theo 2 địa chỉ: Qua đường chuyển phát nhanh: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường (Tầng 2, số 348 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội). Qua hòm thư điện tử: Caydisanvietnam@gmail.com, Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 11/2024.

PHẠM DUNG / TẠP CHÍ ĐIỆN TỬ THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Chia sẻ