Ngày 21/07/2025, tại phường Tam Thắng, TP.HCM, đã diễn ra Lễ tổng kết Khóa tập huấn ủ compost từ rác thải hữu cơ gia đình, đồng thời là Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác toàn diện Chương trình Kinh tế tuần hoàn và Phát triển bền vững.
Chương trình có sự tham dự của Đại tá Đỗ Hồng Duyên – Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân; Trung tá Trịnh Thế Cường – Chỉ huy trưởng Trung tâm Cứu hộ và Bảo vệ Môi trường Vùng biển 3; Ông Lê Huy Nghiêm – Trạm trưởng Trạm Kiểm tra Giám sát trên sông, Biên phòng Cửa khẩu TP.HCM; TS. Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nữ trí thức TP.HCM; Đại tá Vũ Anh Sơn – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP.HCM; và GS. Kenji Hara – Đại diện hợp tác với Việt Nam của Trường Đại học Công nghệ Tokyo, Nhật Bản.
Về phía Ban tổ chức, chương trình có sự hiện diện của PGS.TS. Lê Hùng Anh – Viện trưởng và PGS.TS. Lê Đình Vũ – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; Ông Nguyễn Toàn Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM; Bà Cồ Phi Hường – Ủy viên Ban Thường vụ Hội; cùng Ông Vũ Văn Mạnh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hành trình Xanh Cựu chiến binh – Bảo vệ Môi trường.
Cùng sự hiện diện của đông đảo quý đại biểu, đại diện các doanh nghiệp, hội viên, câu lạc bộ tham dự.
Chương trình hợp tác là kết quả phối hợp giữa Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM, Câu lạc bộ Hành trình Xanh Cựu chiến binh – Bảo vệ Môi trường, cùng với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp và đơn vị liên kết, nhằm thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong cộng đồng.

Đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới hợp tác liên ngành, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt, đồng hành cùng các tổ chức khoa học, xã hội và cộng đồng dân cư.
Từ tháng 4/2025 đến nay, với sự hỗ trợ của khối doanh nghiệp, các bên đã triển khai hàng loạt hoạt động thiết thực: trồng cây phủ xanh khu vực Mũi Nghinh Phong (Vũng Tàu), tổ chức lớp tập huấn kỹ năng ủ compost và mô hình trồng rau sạch tại nhà cho hơn 60 hộ dân địa phương. Sự đầu tư cả về vật chất lẫn kỹ thuật từ doanh nghiệp đã giúp chương trình có đủ nguồn lực triển khai đồng bộ, lan tỏa giá trị tới từng hộ gia đình.
Các buổi tập huấn đã giúp người dân tiếp cận với kiến thức ứng dụng thực tiễn, dễ triển khai trong đời sống hằng ngày, từ đó góp phần biến rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ vi sinh, vừa giảm áp lực cho hệ thống xử lý rác, vừa cung cấp nguồn phân bón an toàn cho cây trồng tại nhà.
Không chỉ là nhà tài trợ, doanh nghiệp đóng vai trò là cầu nối chuyển giao công nghệ, nhân lực và giải pháp sáng tạo, góp phần đưa mô hình kinh tế tuần hoàn vào đời sống thực tiễn. Trong chương trình, nhiều đơn vị đã cung cấp vật tư, trang thiết bị và đồng hành tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và hành động xanh trong cộng đồng.

Tại buổi lễ, các học viên hoàn thành khóa học đã được trao giấy chứng nhận. Đồng thời, các tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực trong quá trình triển khai chương trình đã được Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường tuyên dương, ghi nhận.
Lễ ký kết hợp tác toàn diện không chỉ là một cam kết chiến lược mà còn mở ra một khuôn khổ phối hợp dài hạn, nơi doanh nghiệp giữ vai trò xúc tác trong việc mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn. Thông qua việc tích cực tham gia, các doanh nghiệp đang thể hiện rõ trách nhiệm xã hội và cam kết phát triển bền vững trong dài hạn.
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện các đơn vị tổ chức đánh giá cao sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc chuyển hóa ý tưởng thành hành động, tạo nền tảng thực tiễn cho các sáng kiến môi trường, từ việc phân loại rác tại nguồn đến sản xuất phân bón hữu cơ, trồng cây xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải.
Trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục mở rộng với sự tham gia chặt chẽ của các doanh nghiệp, không chỉ trong vai trò hỗ trợ mà còn là đối tác chiến lược trong nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đầu tư giải pháp xanh và phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây là bước đi quan trọng trong việc xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đồng thời góp phần hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.