Công bố Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

55

Ngày 15/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024. Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, triển khai Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật về quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lập Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ đã nhận được sự quan tâm, phối hợp, tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học chuyên sâu về lĩnh vực môi trường.

Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế

Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, Quy hoạch được xây dựng với các quan điểm về bảo vệ môi trường; trong đó nhấn mạnh bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tôn trọng quy luật tự nhiên, phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Quy hoạch bảo đảm tính mở và linh hoạt, phòng ngừa các vấn đề môi trường từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ các khu vực có yếu tố nhạy cảm môi trường nhằm hạn chế tác động đối với môi trường và sức khỏe con người.

Với các quan điểm đó, Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường. Quy hoạch cũng định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế – xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quy hoạch xác định các mục tiêu cụ thể được đặt ra với 4 nhóm đối tượng của Quy hoạch theo quy định về phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khu xử lý chất thải tập trung và mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường.

Quy hoạch xác định tầm nhìn đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, đất nước phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.

Khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch

Với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bao gồm các nội dung chủ yếu nhằm góp phần thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đồng thời, Quy hoạch cũng bao gồm các nội dung về định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường trên lãnh thổ xác định để bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước cho thời kỳ xác định như đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Để thực hiện các mục tiêu, định hướng, Quy hoạch xác định cụ thể nhiệm vụ cần thực hiện gồm phòng ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội; quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thúc đẩy các mô hình tăng trưởng bền vững.

Các giải pháp để thực hiện Quy hoạch là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư tài chính; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Trong đó có nhiều nội dung giải pháp về khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất; thúc đẩy áp dụng các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải nhằm đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, phù hợp với xu thế phát triển.

Triển khai các nội dung Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với Dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Theo đó, Dự thảo Kế hoạch xác định kế hoạch, lộ trình thực hiện các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện; định hướng cho các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quy hoạch từng giai đoạn.

Dự thảo Kế hoạch cũng đề xuất huy động đa dạng nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án triển khai Quy hoạch, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa cho truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; duy trì hệ thống thông tin, dữ liệu quan trắc và giám sát môi trường, đa dạng sinh học; đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thực hiện các khu xử lý chất thải quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh.

Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có sự chủ động, quyết tâm vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng và mỗi người dân.

Hoàng Vân (TTXVN)

NGUỒNTTX
Chia sẻ